Sẽ đấu thầu băng tần 4G vào đầu năm 2016
Tin tức     

Sẽ đấu thầu băng tần 4G vào đầu năm 2016

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE muộn nhất vào đầu năm 2016. Nếu điều kiện thuận lợi, việc đấu giá có thể diễn ra ngay cuối năm nay.

Thông tin này được ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng, tiết lộ tại Hội thảo 4G LTE Workshop, do Bộ TT&TT phối hợp cùng Samsung tổ chức sáng nay, 6/2, tại Hà Nội.

Theo lời ông Hoan, Việt Nam đang tập trung phát triển băng rộng, nâng cao hiệu quả phổ tần, cả những băng tần đã cấp phép và sắp được cấp phép. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình và vì mục tiêu không chỉ phổ cập băng rộng ở các thành phố lớn mà còn đưa kết nối tốc độ cao đến cả vùng sâu, vùng xa nên Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các băng tần dưới 1 GHz. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang có chính sách tính toán chính xác nhu cầu băng rộng trong nước để tận dụng các tần số đang sử dụng cho lĩnh vực khác, thí dụ như truyền hình tương tự, cho di động băng rộng.

"Cục Tần số đã quy hoạch hai băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz cho băng rộng di động nhưng hiện tại chưa dùng đến. Dù vậy, LTE 4G sẽ là xu hướng rõ ràng trong cả hai băng tần này", ông Hoan nhấn mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án đấu giá để cấp phép băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015, hoặc chậm nhất là đầu năm 2016. Trên thực tế, Việt Nam có thể tiến hành đấu giá sớm hơn nhưng các nhà mạng vẫn đang còn băn khoăn về chi phí đầu tư LTE ở băng tần cao, cũng như chưa thực sự tin tưởng vào nhu cầu sử dụng 4G của người dùng trong nước.

Cũng chính vì ngần ngại với băng tần cao nên một số nhà mạng trong nước vẫn đang xin thử nghiệm dịch vụ trên băng tần thấp, do đó xu hướng tại Việt Nam sẽ là refarming (phân bổ lại) băng tần đang dùng cho 2G chuyển sang cho 3G và 4G. Chẳng hạn như VNPT đang triển khai thành công 3G trên băng tần 900 MHz và vừa được đồng ý nhân rộng ra toàn quốc ngay trong năm nay.

"Cục đang trình Bộ TT&TT và ngay trong tháng 2 dự kiến sẽ ban hành được Thông tư về sửa đổi quy hoạch tần số, cho phép triển khai băng rộng trên băng tần 900 MHz. Tuy nhiên trong dự thảo, chúng tôi sẽ không đề cập đến băng rộng ở đây là 3G hay 4G mà để doanh nghiệp tự lựa chọn. Điều này thể hiện rõ chính sách trung lập về công nghệ của Việt Nam", ông Hoan phân tích.

 
 

Một giải pháp nữa cũng đang được Việt Nam đẩy mạnh là số hóa truyền hình. Dự kiến, đến năm 2020 tất cả các khu vực, tỉnh thành ở Việt Nam sẽ hoàn thành số hóa truyền hình. Tuy nhiên, đến năm 2018, về cơ bản các tỉnh, thành ở đồng bằng đã tắt sóng analog hoàn toàn, giải phóng băng tần truyền hình cho di động. Vì thế, Việt Nam đang xem xét khả năng có thể cấp phép phát triển băng rộng trên băng tần truyền hình trước năm 2018.

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung phân tích xu hướng LTE trên thế giới, quá trình phát triển của công nghệ này, các lợi ích của LTE so với 3G, quy hoạch băng tần tại Việt Nam cũng như những khuyến nghị, kinh nghiệm để Việt Nam triển khai LTE thành công.

Ông Joon Ho Park, Phó Chủ tịch cấp cao của Samsung, phụ trách marketing và bán hàng, cho biết, công nghệ LTE trên thế giới đã rất phổ biến. Năm 2014, thế giới có khẳng  450 triệu thuê bao và dự kiến, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, đạt 830 triệu vào năm 2015. Ông Park cho biết Samsung vốn nổi tiếng là một nhà sản xuất smartphone, các thiết bị di động, tivi, bán dẫn, tuy nhiên, Samsung cũng là một công ty đi đầu về các thiết bị mạng, đặc biệt là về các thiết bị LTE, thậm chí là 5G.

Theo phân tích của ông Park thì 4G LTE mang lại lợi ích không chỉ cho nhà mạng mà còn cho cả người dùng cũng như xã hội, chẳng hạn như chi phí đầu tư chỉ bằng 1/4 so với 3G, hiệu suất sử dụng phổ tần cao hơn 3.8 lần, chi phí vận hành bảo trì chỉ bằng 38% so với 3G. Trong khi đó, giá thành thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G ngày càng rẻ. Ngay trong năm nay, con chip Snapdragon 210 của Qualcomm sẽ tạo điều kiện cho làn sóng smartphone 4G giá dưới 100 USD đổ bộ thị trường.

Từ kinh nghiệm triển khai 4G tại Hàn Quốc, đại diện Samsung khuyến nghị Việt Nam rằng LTE là công nghệ vượt trội, sở hữu nhiều tính năng ưu việt nên càng chuyển đổi nhanh chừng nào, càng thu được lợi ích lớn cho nhà mạng, thuê bao và xã hội chừng đó.

(Nguồn: vietnamnet.vn)

» Tin khác
Hệ thống nhận diện tự động (AIS)
Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến điện cầm tay
Nhà mạng gấp rút chống nghẽn 3G dịp Tết
Can nhiễu di động tăng mạnh, trách nhiệm nhà mạng đến đâu?
Từ 1/1/2017, các thuê bao di động được chuyển mạng giữ nguyên số
Báo Mỹ: Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Chip và thiết bị RFID HF do Việt Nam thiết kế, chế tạo được doanh nghiệp Nhật Bản thương mại hóa
VN xếp hạng 76 về chỉ số ATTT mạng toàn cầu
Triển lãm chip vi mạch do người Việt sản xuất ở Nhật
Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022
Nhiễu mặt trời trong thông tin vệ tinh
Tác động của phổ tần số băng tần trung cho 5G đối với các khu vực trên thế giới