Can nhiễu di động tăng mạnh, trách nhiệm nhà mạng đến đâu?
Tin tức     

Can nhiễu di động tăng mạnh, trách nhiệm nhà mạng đến đâu?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Tần số - Vô tuyến điện khu vực I (RFC-1) cho biết, hiện tượng can nhiễu sóng thực ra không mới, song đặc biệt rộ lên và ảnh hưởng trên quy mô rộng kể từ đầu năm 2015, sau khi mạng Viettel thử nghiệm cung cấp dịch vụ 3G trên băng tần 900 MHz của 2G.

"Dù hiện tượng này xuất hiện từ năm 2011 nhưng thời gian gần đây, chỉ số can nhiễu 3G tăng rất cao", ông Đông nhấn mạnh.

Lý giải về nguyên nhân gây ra hiện tượng này, vị đại diện của Cục Tần số cho biết, khi người dân sử dụng các thiết bị kích sóng trôi nổi trên thị trường, không được hợp quy, không đủ chuẩn thì sẽ gây can nhiễu cho các BTS của nhà mạng. Hậu quả là những người dùng khác tại khu vực đó sẽ khó gọi/nhận cuộc điện thoại đến, truy cập 3G rất chậm, thậm chí là không truy cập được.

Được biết, vào ngày 7/7 vừa qua, RFD-1 đã phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, Công an TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý 3 tổ chức, hộ gia đình vi phạm tại các đường Phùng Chí Kiên, Quan Thổ 3, Đê La Thành. Giải trình với lực lượng chức năng, các cá nhân vi phạm cho biết, học cũng "cực chẳng đã" mà phải sử dụng bộ kích sóng do tín hiệu mạng trong nhà quá kém, ảnh hưởng đến nhu cầu liên lạc chính đáng của người dùng.

Nhà mạng than khó

Tại cuộc làm việc giữa Cục Tần số với các nhà mạng về vấn đề can nhiễu di động sáng nay, 9/7, đại diện Viettel cho biết, theo ghi nhận của mạng này, mức độ ảnh hưởng của can nhiễu đến các dịch vụ thoại hầu như không đáng kể, mà chủ yếu là ảnh hưởng đến mạng data. Viettel cũng đồng ý rằng sau khi các nhà mạng đầu tư nâng cấp mạng lưới, thử nghiệm 3G trên băng tần 900 MHz thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đó.

"Việc người dân sử dụng thiết bị kích sóng đúng là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng muốn được có sóng. Trách nhiệm của nhà mạng là phải cải thiện sóng tốt hơn", vị này thừa nhận. Tuy vậy, theo Viettel thì việc phát triển hạ tầng mạng lưới tại các thành phố lớn như Hà Nội đang rất khó. Nhà mạng dù biết rõ khu vực nào là vùng "lõm", sóng yếu nhưng muốn đặt thêm trạm phát ở khu dân cư lại không được người dân ủng hộ.

Cũng chung quan điểm, đại diện MobiFone nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp viễn thông đều biết vùng phủ của mình chưa hoàn chỉnh, nhưng muốn lắp thêm trạm BTS lại vấp phải sự phản đối của người dân. "Thậm chí nhiều nơi, người dân còn đòi gỡ cả trạm BTS đang vận hành".

Tuy vậy, ông Đông cho rằng, để chấm dứt tình trạng người dân vi phạm, sử dụng thiết bị kích sóng thì biện pháp đầu tiên chính là phải xử lý được chuyện sóng kém. Nếu kết quả đo chất lượng vùng phủ cho thấy nhà mạng không đạt yêu cầu thì nhà mạng phải có trách nhiệm khắc phục. Trong thời gian chờ đợi lắp BTS, nhà mạng phải xem xét cả những giải pháp tình thế, đảm bảo có sóng cho người dân. Một số ý kiến tại cuộc họp đã đề xuất về việc nhà mạng trực tiếp cấp thiết bị kích sóng hợp quy, đủ chuẩn cho người dân dùng tạm, "vừa chủ động, vừa đúng luật, vừa dễ quản lý hơn".

 

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần phải nắm được quyền và lợi ích của mình trong hợp đồng kinh tế - ở đây là hợp đồng sử dụng dịch vụ ký với nhà mạng. Họ có quyền phản ánh và đòi hỏi nhà mạng phải cải tiến vùng phủ.

Hiện tại, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi về chất lượng mạng thông tin di động, lần lượt là 18008119, 18001090 và 18001091.

Sử dụng thiết bị kích sóng là phạm luật

Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức cần ý thức rõ rằng, việc sử dụng thiết bị kích sóng là vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tần số vô tuyến điện. Hành vi này có thể bị phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng, ông Đông khuyến cáo. Hiện tại, chỉ có nhà mạng được phép nhập khẩu và sử dụng thiết bị repeator hợp quy, đủ chuẩn, được cấp phép mà thôi.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý, giới truyền thông sẽ tăng cường tuyên truyền, giải thích tới người dân, song với những ai cố tình không chấp hành nhiều lần, Cục Tần số sẽ phối hợp cùng Thanh tra Sở, Công an các tỉnh/thành tiến hành xử phạt, tịch thu tang vật.

Liên quan đến phản ánh về việc các thiết bị kích sóng đang được bán tràn lan trên thị trường, phía Viettel cho rằng, cơ quan quản lý cần xử lý tận nguồn vấn đề: phối hợp cùng hải quan, quản lý thị trường để siết hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này. Cục Tần số cũng khẳng định sẽ thu thập thông tin về các tổ chức, doanh nghiệp cố tình cung cấp thiết bị kiểu này ra thị trường, giao cho đơn vị chức năng xử lý nghiêm.

Nguồn: vietnamnet.vn

» Tin khác
Hệ thống nhận diện tự động (AIS)
Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến điện cầm tay
Báo Mỹ: Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Chip và thiết bị RFID HF do Việt Nam thiết kế, chế tạo được doanh nghiệp Nhật Bản thương mại hóa
VN xếp hạng 76 về chỉ số ATTT mạng toàn cầu
Triển lãm chip vi mạch do người Việt sản xuất ở Nhật
Cuộc đua phát triển vũ khí chống UAV toàn cầu
Nhiễu mặt trời trong thông tin vệ tinh
Tác động của phổ tần số băng tần trung cho 5G đối với các khu vực trên thế giới
Sự kiện Kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty TNHH Thành Lợi
Việt Nam lần đầu tiên sản xuất thành công chip ADC 24-bit
Singapore thử nghiệm “siêu Wi-Fi”