Cuộc đua phát triển vũ khí chống UAV toàn cầuNhững năm gần đây, cùng với xu thế sử dụng rộng rãi máy bay không người lái (UAV) tấn công trên chiến trường, các biện pháp và công nghệ đối phó tương ứng cũng được quân đội các nước liên tục nâng cấp phát triển. Cuộc đối đầu giữa UAV và chống UAV dần trở thành một phương pháp tác chiến quan trọng, tác động không nhỏ đến cục diện chiến trường.Các chiến lược chống UAV lần lượt ra đời Với khả năng tuần tra, trinh sát hoặc tấn công tự sát, UAV được quân đội Mỹ coi là một trong những mối đe dọa trên không có sức tàn phá mạnh nhất. Từ tháng 12-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành tối ưu hóa hệ thống UAV cỡ nhỏ, đồng thời thành lập Văn phòng liên hợp chống UAV, chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát mọi công việc nghiên cứu và phát triển vũ khí chống UAV của quân đội nước này. Với Chiến lược chống UAV cỡ nhỏ, được công bố tháng 1-2021, đến nay cơ quan này đã thực hiện bốn cuộc thử nghiệm chống UAV. Dự kiến cuộc thử nghiệm thứ năm sẽ tiến hành vào tháng 6-2024, tập trung vào tác chiến chống UAV bầy đàn. Quân đội Nga coi các hoạt động tác chiến chống UAV là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên thử nghiệm các kỹ thuật, chiến thuật phòng thủ mới trên chiến trường. Hiện nước này đã thành lập các đơn vị chống UAV ở hầu hết các quân khu. Kể từ năm 2019, tất cả các cuộc tập trận quân sự lớn của Nga đều có khoa mục chống UAV. Năm 2019, Bộ Nội vụ Anh cũng công bố "Chiến lược chống UAV", trong đó thiết lập các phương pháp và chiến lược phản ứng đa lớp và toàn diện nhằm đối phó với các mối đe dọa từ UAV cỡ nhỏ. Từ năm 2015, Pháp cũng triển khai chương trình "Phân tích và đánh giá toàn cầu về các phương pháp và công nghệ chống UAV". Năm 2022, Bộ Quốc phòng Pháp đã tuyên bố rằng “hệ thống bảo vệ mô-đun chống UAV” sẽ là nền tảng cho hệ thống chống UAV phổ biến trong tương lai. Cuộc đua về công nghệ Nhiều thiết bị công nghệ cao đã được các nước đầu tư phát triển nhằm đối phó với UAV tự sát và trinh sát cỡ nhỏ. Trong đó, tên lửa và thiết bị điện từ đã trở thành trọng tâm nghiên cứu. Nga đã phát triển tên lửa siêu nhỏ “Nail” lắp trên hệ thống phòng không Pantsir-SM, có thể mang 48 tên lửa cùng lúc. Nó chủ yếu được sử dụng để tấn công các UAV cỡ nhỏ và UAV bầy đàn. Tác chiến điện tử là một giải pháp hiệu quả và chi phí thấp để đối phó với UAV cỡ nhỏ. Trong những năm gần đây, quân đội Nga đã sử dụng súng gây nhiễu điện từ riêng lẻ kết hợp với các loại vũ khí khác trên chiến trường để bắn hạ nhiều UAV đa cánh quạt của đối phương. Vũ khí vi sóng công suất cao và vũ khí laser cũng thu hút sự chú ý rộng rãi. Tháng 6-2023, Văn phòng liên hợp chống máy bay không người lái (Mỹ) đã thử nghiệm hệ thống vũ khí vi sóng công suất cao "Morpheus" tại bãi thử nghiệm Yuma Proving Ground ở bang Arizona để đánh giá khả năng của UAV được trang bị hệ thống này trong tấn công UAV tự sát ở phạm vi 4km. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, quân đội Mỹ đang tìm cách thu nhỏ và giảm trọng lượng vũ khí vi sóng công suất cao. Năm 2023, Hải quân nước này đã trang bị bộ vũ khí laser công suất cao đầu tiên cho các tàu khu trục, có thể kết nối với "Aegis" - Hệ thống theo dõi, nhắm mục tiêu và tấn công số lượng lớn máy bay và tên lửa hành trình đang bay tới. Tháng 3-2023, Saudi Arabia đã sử dụng hệ thống vũ khí laser gắn trên xe "Thợ săn thầm lặng" để bắn hạ 13 UAV vũ trang của Houthi. Đây là lần đầu tiên các hoạt động chống UAV bằng vũ khí laser đạt được kết quả thực chiến. Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản đã công khai trình diễn hệ thống vũ khí laser công suất 20kW có thể bắn hạ UAV ở khoảng cách 1,2km chỉ trong thời gian 2-3 giây. Australia hiện đang phát triển hệ thống chống UAV bằng laser năng lượng cao với công suất 36kW, và có thể nâng lên 50kW. Pháo phòng không tự hành cải tiến cũng là trọng tâm trong cuộc đua phát triển vũ khí chống UAV của các nước. Ưu điểm nổi bật của loại vũ khí này là tốc độ bắn nhanh và đạn có thể lập trình được, nhưng các radar hiện tại khó có thể khóa mục tiêu các UAV cỡ nhỏ, vì vậy, một số quốc gia đang nỗ lực cải tiến hệ thống phát hiện nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến của loại vũ khí này. Tích hợp hệ thống nhằm giảm giá thành Hiện nay, các phương tiện chống UAV vẫn lấy tiêu diệt cứng là chính, các phương tiện công nghệ cao chưa hoàn thiện, tỷ lệ hiệu quả - chi phí không cao. Trong tương lai, với sự phát triển của chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng, các phương tiện chống UAV sẽ ngày càng hiệu quả hơn, chi phí cũng sẽ giảm và sự đối đầu giữa UAV và chống UAV sẽ trở nên khốc liệt hơn. Khi công nghệ hoàn thiện, các UAV sẽ dần được tích hợp vào hệ thống tác chiến chống UAV để thực hiện nhiệm vụ phòng không. Nhiều nước đang đẩy mạnh phát triển và thử nghiệm UAV cảnh báo sớm dựa trên nền tảng UAV cỡ lớn và vừa. Ví dụ, UAV cảnh báo sớm do General Atomics của Mỹ phát triển dựa trên UAV "Reaper" đã cải thiện đáng kể phạm vi thời gian và không gian giám sát. Nga cũng cho ra mắt UAV cảnh báo sớm có thể hành trình ở độ cao 10.000m trong thời gian dài và cung cấp thông tin theo thời gian thực. Để khắc phục những hạn chế về cự ly phát hiện và đánh chặn UAV tầm thấp của hệ thống phòng không mặt đất, một số quốc gia đang nghiên cứu việc sử dụng UAV để tiến hành đánh chặn trên không. Ví dụ, Iran trong một cuộc tập trận đã sử dụng UAV "Karrar" để phóng tên lửa không đối không nhằm vào UAV cỡ nhỏ. Ngoài ra, một số lượng UAV tự sát nhất định có thể được cài đặt sẵn trên không để kịp thời phát hiện và tấn công các UAV khác đang lao tới. Quân đội Nga đã sử dụng rộng rãi UAV "Lancet" để bố trí các bãi mìn trên không nhằm ngăn chặn sự tấn công của UAV đối phương. Trong tương lai, những “đàn” UAV thông minh sẽ là phương tiện hữu hiệu để đối phó với UAV tấn công bầy đàn. Hệ thống chống UAV có xu hướng được tích hợp hóa và thuận tiện hóa. Để triển khai tác chiến chống UAV nhanh hơn và hiện thực hóa việc sử dụng toàn diện nhiều phương tiện chống UAV, các quốc gia đã tích hợp hệ thống chống UAV với hệ thống chỉ huy và kiểm soát. Tháng 7-2023, nhà thầu quốc phòng Epirus và công ty phát triển máy bay không người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo cho chính phủ Mỹ Anduril Industries đã bắt tay hoàn thiện hệ thống chống máy bay không người lái tích hợp.
Hệ thống này đưa ra một mô thức mới cho tác chiến chống UAV bầy đàn chỉ bằng thao tác chỉ huy và kiểm soát của duy nhất một người. Ngoài ra, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã yêu cầu hơn 200 triệu USD trong năm tài khóa 2024 để mua và nâng cấp "Tổ hợp phòng không của thủy quân lục chiến". Hệ thống này tích hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger, bộ tác chiến điện tử và thiết bị quang điện, có thể lắp đặt trên xe địa hình Polaris nhằm đối phó với các mối đe dọa trên không, trong đó có UAV. |
||
» Tin khác | ||
Hệ thống nhận diện tự động (AIS) | ||
Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến điện cầm tay | ||
Can nhiễu di động tăng mạnh, trách nhiệm nhà mạng đến đâu? | ||
Báo Mỹ: Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á | ||
Chip và thiết bị RFID HF do Việt Nam thiết kế, chế tạo được doanh nghiệp Nhật Bản thương mại hóa | ||
VN xếp hạng 76 về chỉ số ATTT mạng toàn cầu | ||
Triển lãm chip vi mạch do người Việt sản xuất ở Nhật | ||
Nhiễu mặt trời trong thông tin vệ tinh | ||
Tác động của phổ tần số băng tần trung cho 5G đối với các khu vực trên thế giới | ||
Sự kiện Kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty TNHH Thành Lợi | ||
Việt Nam lần đầu tiên sản xuất thành công chip ADC 24-bit | ||
Singapore thử nghiệm “siêu Wi-Fi” |
Tin tức
Hỗ trợ trực tuyến
Tin tức