Tác động của phổ tần số băng tần trung cho 5G đối với các khu vực trên thế giới
Tin tức     

Tác động của phổ tần số băng tần trung cho 5G đối với các khu vực trên thế giới

Theo nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) được công bố trong báo cáo với tựa đề “Các lợi ích kinh tế - xã hội của các dịch vụ 5G trong băng tần trung” cho thấy, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Mỹ và Châu Âu là những khu vực mà 5G băng tần trung sẽ có đóng góp lớn nhất cho GDP toàn cầu vào năm 2030, tương ứng với 285 tỷ USD, 163 tỷ USD và 121 tỷ USD.

 

 

 

Cũng theo nghiên cứu của GSMA, các nền kinh tế lớn và phát triển nhất, có mức độ thâm nhập 5G cao nhất cũng như tiếp cận các ứng dụng 5G sớm nhất sẽ đóng góp chủ yếu cho lợi ích mà 5G trong băng tần trung mang lại. Tuy nhiên, các lợi ích này được dự báo dựa trên điều kiện nguồn tài nguyên phổ tần số được phân bổ một cách đầy đủ và kịp thời cho các nhà khai thác di động để đáp ứng nhu cầu gia tăng dữ liệu một cách nhanh chóng ​​trong những năm tới.
Khu vực Châu Mỹ
Khu vực Châu Mỹ, bao gồm Bắc Mỹ và Châu Mỹ Latinh và Caribe (LAC) là một thị trường rộng lớn, đa dạng, được đặc trưng bởi mức độ phát triển kinh tế và mức độ thâm nhập của 5G khác nhau. Dự báo cho thấy, 5G trong băng tần trung sẽ đóng góp 163 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2030, trong đó khu vực Bắc Mỹ dự kiến ​​sẽ đóng góp 122 tỷ USD và khu vực LAC sẽ đóng góp 41 tỷ USD.

 

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực Châu Mỹ đến năm 2030 (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Ở cấp độ quốc gia, 5G băng tần trung từ các quốc gia như Hoa Kỳ và Canada sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực tương ứng chiếm 92% và 7%. Đối với khoản đóng góp 41 tỷ USD của khu vực LAC thì Brazil, Mexico và Argentina dự kiến sẽ chiếm lần lượt là 43%, 15% và 9%.

Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng sử dụng 5G băng tần trung sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho ngành sản xuất, các dịch vụ hành chính công, ICT và dịch vụ bán lẻ. Trong đó, dịch vụ bán lẻ sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể nguồn thu trong khu vực LAC do các ứng dụng như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thiết bị thông minh, dự kiến sẽ tăng năng suất tại các điểm bán lẻ cũng như tạo ra các dòng doanh thu mới.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Tương tự khu vực Châu Mỹ, lợi ích kinh tế 5G băng tần trung ở một số thị trường lớn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ đóng góp một tỷ trọng lớn cho GDP tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực. Dự kiến, 5G trong băng tần trung sẽ đóng góp 285 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2030 (chiếm 0,51% GDP của toàn khu vực), trong đó Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ đóng góp 218 tỷ USD, Nam Á đóng góp 32 tỷ USD và Đông Nam Á đóng góp 35 tỷ USD.

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030. (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Ở cấp độ quốc gia, 5G băng tần trung từ các nền kinh tế lớn nhất dự kiến sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực. Xét về đóng góp chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có đóng góp lớn nhất nhờ vào mức độ thâm nhập 5G cao vào năm 2030 ở các quốc gia này.

• Đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực vào năm 2030, cụ thể Trung Quốc chiếm 78%, Nhật Bản chiếm 11% và Hàn Quốc chiếm 4%;

• Đối với khu vực Nam Á: Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan được dự báo sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực vào năm 2030, cụ thể Ấn Độ chiếm 84%, Bangladesh chiếm 9% và Pakistan 5%;

• Đối với khu vực Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Malaysia được dự báo sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực vào năm 2030, cụ thể  Indonesia chiếm 41%,  Thái Lan chiếm 18% và Malaysia chiếm 13%;

Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng sử dụng 5G băng tần trung sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho ngành sản xuất, các dịch vụ hành chính công, ICT và dịch vụ bán lẻ. Đặc biệt, ngành sản xuất được dự báo sẽ được hưởng lợi từ 5G, khi khu vực này là môi trường tốt cho các công ty sản xuất công nghệ cao, mà các công ty này sẽ nhanh chóng áp dụng các ứng dụng mới của 5G vào doanh nghiệp của họ.

Khu vực Châu Âu

GDP ở khu vực Châu Âu dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ 5G băng tần trung, với mức tăng GDP 121 tỷ USD vào năm 2030, chiếm khoảng 0,38% GDP của khu vực.

 

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực Châu Âu đến năm 2030. (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Ở cấp độ quốc gia, 5G băng tần trung của các nền kinh tế lớn nhất như Đức, Anh và Pháp được dự báo sẽ đóng góp phần lớn vào GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung của khu vực vào năm 2030, cụ thể Đức chiếm 19%, Anh chiếm 14% và Pháp chiếm 12%.

Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng sử dụng 5G băng tần trung sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho ngành sản xuất, các dịch vụ hành chính công, ICT và vận tải. Các dịch vụ hành chính công được hưởng lợi từ các ứng dụng như thành phố thông minh và lưới điện thông minh, là hai lĩnh vực dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP trong các nước thuộc Liên minh Châu Âu.

Các nước trong Khối thịnh vượng chung về lĩnh vực truyền thông (RCC)

Đối với các quốc gia trong khu vực RCC, 5G băng tần trung được dự báo sẽ đóng góp 14 tỷ USD cho GDP khu vực vào năm 2030, chiếm khoảng 0,51% GDP của khu vực, trong đó 5G băng tần trung của Liên bang Nga và Kazakhstan đóng góp lớn nhất cho khu vực tương ứng với 79% và 12%.

 

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực RCC đến năm 2030. (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng 5G băng tần trung chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các lĩnh vực bán lẻ, sản xuất, dầu khí và vận tải. Đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu khí, một số ứng dụng 5G dự kiến sẽ nâng cao độ an toàn và năng suất của các nhà máy nhờ các thiết bị điều khiển từ xa, giám sát thông minh và 5G hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm thời gian bảo trì hệ thống.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA)

5G băng tần trung được dự báo sẽ đóng góp gần 16 tỷ USD cho GDP khu vực vào năm 2030, chiếm khoảng 0,35% GDP của khu vực, trong đó 5G băng tần trung của Ả Rập Xê – út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập đóng góp lớn nhất cho khu vực tương ứng với 13%, 6% và 6%.

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực MENA đến năm 2030. (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng 5G băng tần trung chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các lĩnh vực sản xuất, hành chính công và dầu khí.

Khu vực Châu Phi cận Sahara

5G băng tần trung dự kiến sẽ mang lại 13 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực, chiếm khoảng 0,37% GDP vào năm 2030.

 

GDP được tạo ra từ 5G băng tần trung khu vực Châu Phi cận Sahara đến năm 2030. (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Ở cấp độ quốc gia, Nam Phi, Nigeria và Angola là những quốc gia được dự báo sẽ có đóng góp lớn cho GDP của khu vực từ 5G băng tần trung tương ứng với tỷ lệ 43%, 13% và 5%.
Xét về lĩnh vực kinh tế, các ứng dụng 5G băng tần trung chủ yếu sẽ được sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất và nông nghiệp, đặc biệt là các ứng dụng trong nông nghiệp thông minh / giám sát thông minh.

Các kịch bản ứng dụng giúp thúc đẩy sự đổi mới trên các ngành, lĩnh vực

Trong giai đoạn 2020 - 2030, nguồn thu từ 5G băng tần trung sẽ đến từ các kịch bản ứng dụng như eMBB với 42%, FWA với 32%, MIoT với 16% và URLLC với 10%. Trong đó, một số ứng dụng như y tế điện tử và sản xuất tiên tiến là các động lực chính giúp tăng năng suất lao động, bên cạnh đó các ứng dụng mới như chơi game trên nền tảng đám mây trong thời gian thực, video 360 độ và thiết bị VR/AR cũng sẽ tạo ra các dòng doanh thu tiềm năng mới, tất cả những điều này sẽ là các động lực chính giúp tạo ra nguồn thu từ 5G băng tần trung cho GDP.

 

Đóng góp chủ yếu của 5G băng tần trung cho GDP toàn cầu theo kịch bản ứng dụng (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Nghiên cứu cho thấy, các ứng dụng như MIoT và URLLC sẽ bắt đầu tạo ra nguồn thu trong nữa sau của giai đoạn dự báo, vì các ứng dụng như điều khiển đối tượng từ xa và kết nối giữa phương tiện với phương tiện sẽ đạt đến độ chín muồi trong nữa sau của thập kỷ này.
Cũng theo nghiên cứu, đến năm 2030, các lĩnh vực như  sản xuất, dịch vụ (bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục…), quản lý công sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ 5G băng tần trung. Các ứng dụng bao gồm các nhà máy thông minh, thành phố thông minh và lưới điện thông minh sẽ thúc đẩy tăng năng suất và tạo ra các dòng doanh thu mới. Trong đó, lĩnh vực sản xuất sẽ có đóng góp lớn nhất vào GDP toàn cầu với 227 USD, tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ và quản lý công tương ứng với 129 tỷ USD và 96 tỷ USD.
Việc triển khai 5G nói chung và 5G băng tần trung nói riêng sẽ có những tác động tích cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Sau khi vùng phủ sóng 5G được mở rộng, các ứng dụng hiện đang được phát triển trong các dự án thử nghiệm sẽ có sẵn cho công chúng.

 

Ước tính đóng góp của 5G băng tần trung cho GDP toàn cầu theo từng lĩnh vực đến năm 2030 (tỷ USD). (Nguồn: GSMA Intelligence)

 

Các ứng dụng mới sẽ có mặt trong các lĩnh vực như lĩnh vực nông nghiệp thông minh, cho phép giám sát về sức khoẻ cây trồng và vật nuôi, và lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, cho phép cung cấp giải pháp giám sát bệnh nhân từ xa một cách đáng tin cậy. Ngoài việc đóng góp vào tăng trưởng GDP toàn cầu, băng rộng di động còn đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ học vấn và gia tăng phúc lợi xã hội.

Băng thông rộng di động nâng cao (eMBB)

Trong giai đoạn 2020 - 2030, các ứng dụng eMBB bao gồm truy cập đa phương tiện, phát trực tuyến, gửi email, gọi điện video HD, dự kiến ​​chủ yếu dựa trên việc sử dụng phổ tần số trong băng tần trung, vì băng tần này vừa cung cấp dung lượng lớn trong khi vẫn đảm bảo vùng phủ sóng rộng.

5G sẽ cung cấp dung lượng lớn hơn để giải quyết vấn đề gia tăng lưu lượng dữ liệu và tạo cơ hội cho các nhà khai thác di động phát triển các dịch vụ mới và tiên tiến cho người tiêu dùng. Điều này sẽ kích hoạt một loạt ứng dụng mới, bao gồm các dịch vụ internet di động đáng tin cậy cho các sự kiện thể thao, các khu vực tập trung đông người và các ứng dụng AR/VR nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật.

Truy cập vô tuyến cố định (FWA)

5G FWA sẽ cho phép các nhà khai thác di động cung cấp các dịch vụ băng rộng tốc độ cực cao đến các khu vực ngoại ô và các khu vực mật độ dân số thấp hơn nhằm mang lại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp các ứng dụng với mức chi phí rẻ hơn mạng cáp quang hiện có. Điều này sẽ cho phép nhiều khu vực dân cư được kết nối với mạng internet tốc độ cực cao và đáng tin cậy, cung cấp các ứng dụng như chăm sóc sức khỏe từ xa và giáo dục từ xa đến với nhiều người hơn. 5G FWA được xem là giải pháp tối ưu để cung cấp các kết nối băng rộng tương tự như mạng cáp quang cho các cộng đồng nông thôn.

Internet vạn vật số lượng lớn (MIoT)

5G sẽ cho phép tạo ra một mạng internet vạn vật có số lượng thiết bị kết nối lớn, giúp xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và lưới điện thông minh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lượng lớn các cảm biến được kết nối đặt trên các cánh đồng sẽ giúp họ biết được khu vực nào cần nước, khu vực nào có dịch bệnh để kịp thời xử lý.
Lĩnh vực sản xuất, cùng với các lĩnh vực hành chính công và dịch vụ, dự kiến sẽ thúc đẩy hầu hết các lợi ích liên quan đến phổ 5G băng tần trung bình. Tuy nhiên, 5G cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới trên các lĩnh vực khác, bao gồm bán lẻ, nông nghiệp và vận tải.
Thông tin độ tin cậy cực kỳ cao với độ trễ thấp (URLLC)
Các ứng dụng đòi hỏi độ trễ thấp và độ tin cậy cực cao sẽ cho phép áp dụng trong các lĩnh vực như sản xuất, hậu cần, y tế và vận tải. Chúng được sử dụng trong xe tự lái, rô bốt thông minh, AR/VR, máy bay không người lái và hoạt động phẫu thuật/y tế từ xa. Băng tần trung và băng tần cao được kỳ vọng là các băng tần chính sẽ được sử dụng trong các ứng dụng URLLC.

Nguồn: http://www.cuctanso.vn/tin-tuc/Pages/thongtindidong5G.aspx?ItemID=3011

» Tin khác
Hệ thống nhận diện tự động (AIS)
Hệ thống định hướng phát xạ vô tuyến điện cầm tay
Sẽ đấu thầu băng tần 4G vào đầu năm 2016
Nhà mạng gấp rút chống nghẽn 3G dịp Tết
Can nhiễu di động tăng mạnh, trách nhiệm nhà mạng đến đâu?
Từ 1/1/2017, các thuê bao di động được chuyển mạng giữ nguyên số
Báo Mỹ: Việt Nam sẽ trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Chip và thiết bị RFID HF do Việt Nam thiết kế, chế tạo được doanh nghiệp Nhật Bản thương mại hóa
VN xếp hạng 76 về chỉ số ATTT mạng toàn cầu
Triển lãm chip vi mạch do người Việt sản xuất ở Nhật
Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022
Nhiễu mặt trời trong thông tin vệ tinh